Skip to main content

Người khơi dậy quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng

     Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, nguyên Phó Thủ tướng đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến; tiêu biểu như tổ chức Hội nghị tuyên dương những người dũng cảm, dám đứng lên tố cáo sai phạm, tham nhũng...

    May mắn được làm việc và tiếp xúc với ông Trương Vĩnh Trọng nhiều năm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nguyên Ủy viên Thường trực - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến đã chia sẻ những kỷ niệm xúc động về nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - người lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp chung, nhân ái, bình dị, luôn gần gũi với nhân dân và cơ sở. Ông là người cũng có nhiều đóng góp trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đồng chí Vũ Tiến Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Đồng chí Vũ Tiến Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chánh Văn phòng

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

    Có một thời gian dài công tác với Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, ông Vũ Tiến Chiến bồi hồi về những kỷ niệm với con người mà ông rất quý trọng. Đó là giai đoạn 2001–2004, ông Vũ Tiến Chiến làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, khi đó ông Trương Vĩnh Trọng là Trưởng ban Nội chính Trung ương. Trong giai đoạn này, tại Yên Bái xảy ra vụ trọng án về xuất nhập khẩu rất phức tạp, nhiều năm không giải quyết được. Sau khi tỉnh xin ý kiến, ông Trương Vĩnh Trọng rất thận trọng, cử người lên tìm hiểu và mời lãnh đạo các ngành trong đó có ngành nội chính của tỉnh họp lại.

    Khi bàn bạc, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến đề nghị: Nếu vụ án đó nhạy cảm, phức tạp thì có thể chuyển lên Trung ương giải quyết, nhưng ông Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước tiên bởi hơn ai hết, địa phương nắm được vụ việc rõ nhất.

    “Đồng chí Trương Vĩnh Trọng cho rằng, vụ việc phức tạp đến đâu nhưng ở địa phương thì địa phương hiểu rõ nhất và để nghị địa phương giải quyết, Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, khi vụ việc được giải quyết sáng tỏ, địa phương sẽ có kinh nghiệm hơn. Đó là quyết sách mà chúng tôi rất ấn tượng về tính thận trọng và sáng suốt của đồng chí. Nhờ đó, vụ án được giải quyết tốt đẹp, đồng thời năng lực cơ quan nội chính của tỉnh cũng nâng lên một bước”- ông Vũ Tiến Chiến nhớ lại.

    Sinh ra ở Tây Nam Bộ, nhưng ông Trương Vĩnh Trọng lại có nhiều kỷ niệm và thời gian gắn bó với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, khi được Trung ương phân công giữ chức vụ Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Bắc. Điều mà ông Vũ Tiến Chiến nhớ mãi về vị Trưởng ban này là phong cách làm việc năng động, sáng tạo, sâu sát với nhân dân. Khi nhậm chức xong, chuẩn bị có cuộc họp, ông đã yêu cầu ra hiện trường báo cáo, rồi đi lên ngay một xã vùng cao của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

    “Đường đi lại rất khó khăn. Ông bảo các chú leo được thì tôi cũng leo được. Không đi vào dân thì không thể giải quyết được việc gì. Trường học vĩ đại nhất là trường học nhân dân; lớp lớp cán bộ đã trưởng thành từ trường học này, đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Đó là bài học mà tôi nhớ mãi”- ông Chiến cho biết. 

    Hồi tưởng về quãng thời gian làm việc cùng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, ông Vũ Tiến Chiến cho biết: Ông Trương Vĩnh Trọng rất chăm lo cho đội ngũ cán bộ, nhấn mạnh "con người là yếu tố quyết định", ông thường nhắc nhở cán bộ bằng câu nói giản dị: phải "làm đâu, được đó” chứ không được “làm đâu, bỏ đấy".

    Giai đoạn 2006–2011, khi ông Trương Vĩnh Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lúc này, ông Vũ Tiến Chiến là Chánh Văn phòng của Ban chỉ đạo. Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, nguyên Phó Thủ tướng đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến; tiêu biểu như tổ chức Hội nghị tuyên dương những người dũng cảm, dám đứng lên tố cáo sai phạm, tham nhũng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; từ đó khơi dậy quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

    Đáng chú ý, ông Trương Vĩnh Trọng đã có đóng góp không nhỏ cho sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”, góp phần tham mưu, chỉ đạo, xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Ông Chiến cho biết: “Sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 thì hàng loạt quyết sách khác được triển khai. Như Luật phòng chống tham nhũng; Việt Nam tham gia ký công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp quốc. Cùng lúc đó thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, ông Trương Vĩnh Trọng làm Phó Trưởng ban và Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Nghị quyết Trung ương 3 là tiền đề lớn để chúng ta đạt được thành quả về phòng chống tham nhũng như ngày nay”.

    Với ông Vũ Tiến Chiến, hình ảnh và con người nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng- anh Hai Nghĩa, rất đúng với câu nói “Người cách mạng là người giàu tình cảm nhất”. Ông là tấm gương về sự sáng tạo, hết lòng với công việc, là người lãnh đạo sống ân nghĩa, thủy chung với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp.

                                                                                                    Nguồn: Noichinh.vn