Skip to main content

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc trao quyền lực và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước theo tư tưởng và quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh chính trị (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nhấn mạnh "Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân"; "Nhà nước phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân". Trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, việc kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan tư pháp, đội ngũ các chức danh tư pháp để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm bởi các hoạt động này giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý, sự nghiêm minh, tinh thần thượng tôn pháp luật, phản ánh giá trị cao nhất bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đồng thời qua đó làm trong sạch hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.

Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐĐA, ngày 05/4/2022 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án và cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, đánh giá, báo cáo thực trạng công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn tỉnh.

Qua đánh giá, nhận thấy trong thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (2016-2021), Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy và Hội đồng nhân dân các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về công tác tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp; tập trung chỉ đạo các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án dân sự, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và cơ quan liên quan thực hiện nghiêm, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các đơn vị; chú trọng việc phân công, phân nhiệm, gắn quyền hạn với trách nhiệm cụ thể, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động tiến hành tố tụng, thi hành án. Các cấp ủy đảng đã quan tâm, sâu sát trong chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết; bảo đảm quy trình, kết quả giải quyết các vụ việc, vụ án đã thực hiện đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy công quyền; ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động tư pháp thường xuyên được quan tâm, thực hiện; hàng năm, các cấp ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định trong hoạt động tư pháp, thi hành án; qua kiểm tra, giám sát chưa phát hiện cán bộ có hành vi tiêu cực, tham nhũng cần xử lý. Hội đồng nhân dân các cấp đã chú trọng thực hiện giám sát đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án thông qua báo cáo, chất vấn tại các kỳ họp, các đoàn kiểm tra, giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cơ quan tư pháp.

Công tác xây dựng Đảng, phối hợp xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp thường xuyên được quan tâm, tập trung vào việc trao đổi về luân chuyển, điều động, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, để đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp, cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Thông qua việc rà soát, báo cáo Trung ương về thực hiện "Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã nhận thấy được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, như việc thực hiện kiểm soát quyền lực trong các hoạt động tố tụng, thi hành án thông qua công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng, công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn khó khăn, hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa có nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát chuyên đề chuyên sâu; các cơ quan tư pháp chưa phát hiện được các hành vi, vụ việc tiêu cực, tham nhũng thông qua việc tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ; một số nguyên nhân khách quan về cơ sở vật chất, cơ chế quản lý, cán bộ đã tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, nhất là đối với Cơ quan Thi hành án dân sự; chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức làm công tác tư pháp còn bất cập, chưa tương xứng với khối lượng, chất lượng công việc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cán bộ, đảng viên;…

Thông qua việc đánh giá thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã nhận diện được một số hoạt động tư pháp còn tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tham nhũng tiêu cực; những yếu tố tác động đến việc thực thi các cơ chế kiểm soát quyền lực; đề xuất các cơ quan tư pháp Trung ương xem xét, nghiên cứu, xây dựng và thực hiện một số biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nâng cao hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong việc sử dụng quyền lực nhà nước của các cơ quan, cá nhân trong lĩnh vực tư pháp, thi hành án; ngăn chặn, phòng, ngừa các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực, sử dụng quyền lực sai mục đích, phục vụ động cơ không trong sáng, xâm hại đến trật tự quản lý Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Anh Đức - Ban Nội chính Tỉnh ủy