Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Tin tức, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Lao động, VietNamPlus, VietNamnet, VnExpress, Dân trí, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đầu tư, Công thương, Dân Việt, Zingnews.vn, Quochoitv.vn, Đài THVN, Đài TNVN (06/6) đưa tin, tại Quảng Ninh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc vào Dự thảo Đề án. Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Hội nghị này là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo đưa Dự thảo Đề án lấy ý kiến của các địa phương. Các ý kiến góp ý thể hiện sự tâm huyết, nhiều ý tưởng mới, đóng góp vào quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tại địa phương; phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo. Đến ngày (10/6) các báo tiếp tục đưa tin, tại Quảng Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào Dự thảo Đề án. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các thành ủy, tỉnh ủy đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ vào nhiều nội dung trọng tâm của Đề án. Các ý kiến phát biểu thống nhất Đề án đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nội dung đã bao quát được đầy đủ các vấn đề trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Về xây dựng và hoàn thiện thể chế; cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa; kiểm soát quyền lực Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Các khâu đột phá chiến lược trong Dự thảo Đề án đã xác định đúng trọng tâm; các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra khá cụ thể, rõ ràng, phù hợp nhu cầu thực tiễn…

 

 
Góp ý dự thảo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" khu vực miền Bắc

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (08/6-09/6) đồng loạt phản ánh, trong phiên chất vấn, trả lời các đại biểu Quốc hội về việc liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động nhiều yếu tố như tỷ giá USD, căng thẳng Nga-Ukraine và hàng loạt yếu tố khác, bản thân doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng ngại rủi ro nên thường niêm yết giá cao. Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. Trả lời chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết:Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; hỗ trợ thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Về vấn đề nhập khẩu xe chuyển sang hình thức biếu, tặng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Theo quy định muốn nhập khẩu xe vào Việt Nam thì các hãng phải đặt đại lý tại Việt Nam. Thực tế, nhiều loại xe số lượng bán ít nên không có đại lý ở Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng. Tuy nhiên, xe biếu tặng không được giảm, miễn bất cứ loại thuế nào, kể cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập. Về công tác luân chuyển cán bộ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, công tác luân chuyển cán bộ làm “rất mạnh mẽ”, minh bạch, công bằng, hàng năm luân chuyển hàng chục nghìn cán bộ hải quan, thuế, kho bạc; ngành thực hiện, một người không giữ vị trí quá 8 năm và thường 5 năm giữ 1 vị trí. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính. Theo đó, cầnsiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành; quan tâm đầu tư nguồn lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế. Triển khai hiệu quả các chương trình, chiến lược, đề án về cải cách hành chính. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với bảo đảm nguồn lực và thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Về vấn đề của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Ngành Giao thông - Vận tải là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính liên vùng, đột phá nênkhông có tư duy nhiệm kỳ. Một số dự án có vấn đề thì các cơ quan pháp luật sẽ xử lý. Trách nhiệm của bộ thường xuyên thanh tra, kiểm tra để rà soát, chấn chỉnh những sai phạm; mạnh dạn cắt các hợp đồng chậm tiến độ thi công, v.v... 

 

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    TTXVN, báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tin tức, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, VietNamNet, VnExpress, Dân trí, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN (06/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến sai phạm trong việc chuyển nhượng nền đất tại dự án khu định cư An Phú Tây (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). 04 bị can bị khởi tố, gồm: Ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC; bà Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - SADECO; ông Vũ Xuân Đức, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty IPC; ông Trần Đăng Linh, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty IPC về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. Liên quan đến vụ việc này, Thanh tra thành phố kết luận IPC chuyển nhượng đất nền tại dự án An Phú Tây cho một số cá nhân không qua đấu giá, bán với giá chưa phù hợp,có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây thiệt hại cho nhà nước.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tin tức, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, VietNamNet, VnExpress, Dân trí, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN (06/6) đưa tin,Liên quan đến Công ty Việt Á, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án“Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu.Trước đó, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu có thông báo kết luận thanh tra đột xuất công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện quy trình, định mức, giá dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 đối với Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển toàn bộ hồ sơ có dấu hiệu sai phạm sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu để điều tra, xử lý theo quy định.

 

    Báo Thanh tra (06/6) cho biết, trong 3 năm (2019-2021), tỉnh Bắc Kạn có 02 trường hợp người tố cáo yêu cầu được bảo vệ. Trong giai đoạn này, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 20 cuộc thanh tra các cấp trên địa bàn, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 31 đơn vị. Chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 158 đơn tố cáo. Nhìn chung, các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng quy trình về tiếp nhận, giải quyết tố cáo. Việc giữ bí mật các thông tin cá nhân của người tố cáo bảo đảm an toàn, đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo.

 

    Báo Thanh niên (06/6) cho biết, Công an TP. Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân thành phố đề nghị truy tố 2 bị can trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - chi nhánh An Sương. Theo đó, bị can Nguyễn Thị Phương Nam, nguyên Giám đốc Agribank An Sương bị đề nghị truy tố về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Bị can Phạm Quốc Dũng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Bất động sản Đạt Thành Hưng bị đề nghị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Kết luận điều tra cho thấy, bị can Nguyễn Thị Phương Nam chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận, lập hồ sơ giải ngân 2 khoản vay cho Công ty Đạt Thành Hưng mà không kiểm tra, thẩm định theo quy định, tài sản thế chấp không bảo đảm về mặt pháp lý, gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng cho Agribank An Sương.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (từ ngày 06/6 đến ngày 08/6) đồng loạt đưa tin, chiều ngày 06/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Tiếp đó, các báo thông tin, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bằng hình thức buộc thôi việc do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác. Trước đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Công Tạc. Ngày 07/6, Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với ông Nguyễn Thanh Long. Cũng ngay trong ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ra Quyết định cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long. Đồng thời, tại Hà Nội, HĐND thành phố đã bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Chu Ngọc Anh. Ngày 07/6, các báo tiếp tục thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Công Tạc. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Theo điều tra: Ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Phạm Công Tạc có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Nguyễn Thanh Long có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các báo (08/6) cho biết, hai tội danh mà ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị khởi tố được quy định trong Bộ luật hình sự. Theo đó, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị khởi tố tội danh được quy định tại Điều 219 và Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để bảo đảm triệt để thu hồi cho Nhà nước.

 

    VietNamnet (07/6), báo Pháp luật TP.HCM (08/6), Tuổi trẻ TP.HCM, VnExpress (09/6), Đài THVN, Đài TNVN (10/6) phản ánh, với việc Trung ương kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, danh sách các cá nhân bị xử lý liên quan đến “đại án” Việt Á càng dài thêm. Theo đó, chỉ trong hơn 5 tháng (từ giữa tháng 12/2021 đến nay), Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và Công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam gần 60 người. Điều đáng chú ý, “đại án” này diễn ra như một “đại dịch” với quy mô rộng khắp cả nước, đối tượng liên quan có cả cán bộ ở cấp địa phương lẫn Trung ương. Họ đều là cán bộ, lãnh đạo tại CDC, bệnh viện, ngành Y tế một số tỉnh, thành; Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y,… Đối với Bộ Y tế, ngoài ông Nguyễn Thanh Long, trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hàng loạt cán bộ và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam từ cuối năm 2021. Với Bộ Khoa học và Công nghệ, ngoài ông Chu Ngọc Anh vi phạm thời ông làm Bộ trưởng, Bộ Chính trị đã khai trừ ra khỏi Đảng với Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Thủ tướng đã quyết định kỷ luật buộc thôi việc với ông Tạc. Ngoài ra, Trung ương cũng đã kỷ luật hàng loạt cán bộ khác của Bộ Khoa học và Công nghệ và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam từ cuối năm 2021 đối với một số cán bộ.

 

    Theo tin từ TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamPlus, Tin tức, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, thanh niên, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN (06/6), Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan nhằm xem xét kháng cáo của 11 bị cáo và bị hại là Công ty SADECO. Tại phiên tòa, bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại hành vi của bị cáo. Bị cáo Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị SADECO và Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng Giám đốc SADECO kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt… Tuy nhiên, với vai trò chỉ đạo và quyết định của Tất Thành Cang, các bị cáo trong vụ án đã có hàng loạt sai phạm trong việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại cho SADECO hơn 1.103 tỷ đồng, trong đó, thất thoát tài sản nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng. Trước đó, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm 20 bị cáo về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó, bị cáo Tất Thành Cang bị tuyên phạt 10 năm tù; Tề Trí Dũng 20 năm tù; các bị cáo khác nhận từ án treo đến 16 năm tù. Các báo này (09/6) thông tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên án phúc thẩm vụ án sai phạm tại IPC, SADECO và các đơn vị liên quan. Theo đó, Tòa tuyên phạt: Bị cáo Tất Thành Cang 8 năm 6 tháng tù; Tề Trí Dũng 19 năm tù; Hồ Thị Thanh Phúc 14 năm tù; Phạm Văn Thông, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy 6 năm tù; các bị cáo khác từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 13 năm tù (Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Tất Thành Cang 18 tháng tù, Tề Trí Dũng 1 năm tù, Hồ Thị Thanh Phúc 2 năm tù...).

 

    TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Thanh tra, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Đài THVN, Đài TNVN (07/6) thông tin, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xin thôi việc, đơn xin nghỉ việc của ông Sơn đang được các cơ quan chức năng xem xét. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 2018. Ngoài vị trí Thứ trưởng, hiện ông Sơn đang kiêm nhiệm Phó Trưởng Ban của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, ông Sơn 02 lần bị kỷ luật: 01 khiển trách và 01 cảnh cáo do có liên quan đến sai phạm của Công ty Việt Á.

 

    Theo tin từ TTXVN, báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Tiền phong, VnExpress, VietNamNet, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN (07/6), các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ chỉ định thầu, có dấu hiệu cố ý lựa chọn sản phẩm của Công ty Việt Á và Công ty Hợp Nhất. Đồng thời, hợp thức hóa hồ sơ mua sắm để thực hiện thanh toán không đúng quy định pháp luật, vi phạm Luật Đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại ngân sách nhà nước. Thanh tra thành phố Cần Thơ kiến nghị chuyển cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, một gói thầu mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á sản xuất do Bệnh viện Đa khoa thành phố chỉ định thầu, có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Một gói thầu mua sắm thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Y học cổ truyền vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamPlus, Tin tức, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN (07/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lò Văn Chiến, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La về hành vi nhận hối lộ liên quan đến việc đấu thầu mua bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.Theo điều tra, từ tháng 9/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La và Công ty cổ phân Công nghệ Việt Á đã ký hợp đồng về việc mua bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, với tổng giá trị gói thầu hơn 1 tỷ đồng. Lò Văn Chiến đã giao dịch với đại diện Công ty Việt Á và nhận tiền hoa hồng theo thỏa thuận.

 

    Báo Thanh tra (07/6) phản ánh, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Bộ trưởng tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh theo thẩm quyền về những tồn tại, thiếu sót, sai phạm,để xảy ra khiếu nại, tố cáo, mất đoàn kết trong đơn vị. Theo đó, ông Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng từ tháng 8/2020 trở về trước đã vi phạm về quản lý tài chính trong công tác phối hợp, liên doanh, liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường; quản lý thu, chi trông giữ xe, không đúng với các quy định về quản lý tài chính, kế toán; vi phạm quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu… Đồng thời, Thanh tra Bộ yêu cầu Hiệu trưởng thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước số tiền 136,1 triệu đồng; thực hiện việc thu hồi nộp về trường số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.

 

    Báo Thanh tra (07/6) cho biết, quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và các nguồn kinh phí được cấp; việc thực hiện các quy định về tài chính, kế toán và nghĩa vụ với Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An, đã phát hiện một số sai phạm trong công tác quản lý tài chính,thu, chi, sử dụng các nguồn kinh phí, kê khai thuế; nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng trongquản lý đầu tư xây dựng cơ bản… Thanh tra tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, khắc phục các sai phạm, khuyết điểm, trong đó kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

 

    TTXVN, báo Tin tức, VietnamPlus, Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động, VietNamnet (08/6) cho biết, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị về thi hành kỷ luật ông Hồ Quốc Hương, Đảng ủy viên, Đảng bộ Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Dân tộc; nguyên Huyện ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Linh Thượng, nay là xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Theo đó, trong thời gian giữ chức Huyện ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Linh Thượng, ông Hồ Quốc Hương có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý đất đai, ngân sách nhà nước và vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Những khuyết điểm, vi phạm của ông Hồ Quốc Hương là nghiêm trọng, có việc rất nghiêm trọng. Căn cứ quy định về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật ông Hồ Quốc Hương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

 

    TTXVN, báo Tin tức (08/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Trường, nguyên Trưởng Phòng Giám sát nội bộ, nay là Đội trưởng Đội Vận hành số 1 thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân huyện. Nguyễn Văn Trường là bị can thứ 18 bị khởi tố trong quá trình điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Trạm thu phí IC14 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (vụ án khởi tố từ ngày 02/4/2022). Kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, bị can Nguyễn Văn Trường đã cấu kết, bàn bạc với bị can Nguyễn Văn Hưng, nguyên Đội trưởng Đội thu phí Trạm thu phí IC14 (đã bị bắt tạm giam ngày 04/4/2022) chỉ đạo cấp dưới, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cho các xe chở hàng quá khổ, quá tải mua vé tham gia lưu thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai trái quy định, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

 

    TTXVN, báo Tin tức, VietnamPlus và các báo (08/6) phản ánh, Chi cục Kiểm lâm, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo kiểm điểm trách nhiệm các công chức kiểm lâm liên quan tới việc Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên để mất hơn 2.000ha rừng. Diện tích rừng trên nằm trên địa giới hành chính huyện Đắk G’Long và thời gian mất rừng từ năm 2003-2015. Cụ thể, có 19 công chức kiểm lâm bị đề nghị xem xét, kiểm điểm trách nhiệm (trong đó, 05 công chức là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’Long giai đoạn 2003-2015 kiến nghị kỷ luật hình thức khiển trách; 14 công chức là kiểm lâm địa bàn đề xuất hình thức kỷ luật khiển trách và kiểm điểm, rút kinh nghiệm). 

 

    TTXVN, Đài TNVN và các báo (08/6) đưa tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng nghị về phần thiệt hại trong vụ án của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh và kháng cáo của 7 bị cáo gồm: Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc; Nguyễn Thị Thúy, nguyên Kế toán trưởng SAGRI; Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng thành phố và các bị cáo khác. Trước đó ngày 18/12/2021, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm 19 bị cáo, tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 25 năm tù, Nguyễn Thị Thúy 20 năm tù về 2 tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”; bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn cùng 6 năm tù; các bị cáo khác từ 5 năm đến 8 năm tù. Theo cáo trạng, bị cáo Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo cán bộ thực hiện chuyển nhượng trái pháp luật Dự án khu nhà ở diện tích hơn 36.000m2 cho Tổng Công ty Phong Phú, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 672 tỷ đồng. Bên cạnh đó, năm 2016, Lê Tấn Hùng chỉ đạo và cùng các bị cáo khác lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng. Các báo này (09/6) cho biết, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh được đề nghị giảm án từ 6 tháng đến 1 năm tù.

 

    TTXVN (09/6) đưa tin, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV đã tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và thi hành kỷ luật đối với các đảng viên có sai phạm, khuyết điểm theo Thông báo số 252-TB/UBKTTW, ngày 17/3/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2015-2020. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Xà Dương Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy Sở Xây dựng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng và thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với một số đảng viên.

 

    TTXVNVietNamnet, SGGP (09/6) cho biết, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Thị Lường, Phó phòng Kỹ thuật công trình và Trần Hữu Đạt, cán bộ Phòng Kỹ thuật công trình thuộc Xí nghiệp Thủy lợi Đô Lương thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An. Trước đó, ngày 15/11/2021, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án hình sự về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Xí nghiệp Thủy lợi Đô Lương. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Công an xác định sai phạm của 2 bị can này có hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xác nhận nhiều hồ sơ khống nghiệm thu công trình thủy lợi, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

 

    TTXVN, báo VietNamplus, Tuổi trẻ TP.HCM, Công an TP.HCM (10/6) cho biết, trong một cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hơn 6.789 tỷ đồng sai phạm trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó kiến nghị xử lý tài chính trên 3.431 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác hơn 3.358 tỷ đồng. Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung nguồn lực tổ chức ngay từ đầu năm cuộc kiểm toán Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ. Đây là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ, được triển khai trên phạm vi toàn ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 32 tỉnh, thành phố. Một số đơn vị thuộc Bộ Y tế và các địa phương đã mua kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á với tổng trị giá hơn 2.161 tỷ đồng qua hình thức mua trực tiếp hoặc đơn vị trung gian.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân, Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Tin tức, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Giao thông, Lao động, Người Lao động, Gia Lai (09/6), Dân Việt, Tiền phong, Thanh niên, Đài TNVN (10/6) thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 07 đối tượng để điều tra về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Các đối tượng gồm: Đinh Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng; Trần Văn Thiệu, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng; Bùi Văn Tỉnh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Thắng cùng là cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng; Dương Văn Việt, nhân viên Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Phi Liêng và Phạm Tiến Mạnh, kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông. Theo kết quả điều tra, tháng 9/2021, lợi dụng việc khai thác gỗ, các đối tượng có dấu hiệu thông đồng, bao che cho Nguyễn Văn Quý, trú tại thành phố Đà Lạt khai thác lâm sản trái phép. Đặc biệt, các đối tượng đã chỉ cho Quý khai thác thêm ngoài phương án được phê duyệt 122 cây gỗ (thông, trò chỉ) gây thiệt hại về lâm sản 96m3 gỗ.

 

    TTXVN và các báo (10/6) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ kết quả điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cùng với đó, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị My, nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội và khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cứ trú đối với ông Bùi Văn Sâm, nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội cùng về tội danh trên.

 

    TTXVN, Lao Động, Tuổi trẻ TP.HCM (10/6), Tiền Phong, Xây dựng và các báo (11/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Rửa tiền” và Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phú Cường. Trước đó, ngày 22/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Phú Cường về hành vi “Trốn thuế”. Theo điều tra: Cơ quan Công an tỉnh xác định Ngô Phú Cường là người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động kinh doanh mua bán cát tại Công ty TNHH Phú Cường do Cường đứng tên và Công ty TNHH MTV Sông Thoại do con gái Cường đứng tên. Từ năm 2016-2020, giao dịch của 2 công ty này có tổng doanh thu trên 63,4 tỷ đồng thanh toán vào 2 số tài khoản cá nhân do Cường đứng tên, nhưng không xuất hóa đơn, không ghi chép vào sổ sách kế toán và kê khai thuế. Số tiền vi phạm về thuế của 2 công ty này là trên 19 tỷ đồng. Quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan Công an tiếp tục xác định Cường đã dùng số tiền 2,4 tỷ đồng trong tổng số tiền trốn thuế để thực hiện giao dịch mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (10-11/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội”. Đồng thời, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội và Kế toán trưởng. Hành vi phạm tội của ông Việt xảy ra tại thời điểm ông này là Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, khi thực hiện mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Quá trình điều tra xác minh, các đối tượng được giao thực hiện nhiệm vụ đã có hành vi móc nối, thông đồng với nhân viên thuộc Công ty Việt Á, vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 9 tỷ đồng. Sau khi được thanh toán tiền, Công ty Việt Á đã chuyển lại cho kế toán trưởng của CDC Hà Nội số tiền ngoài hợp đồng hơn 1 tỷ đồng.

 

    TTXVN, Vietnamplus, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, Công an TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (11/6) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành cáo trạng truy tố đối với Nguyễn Chí Hiến, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng 4 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí”. 4 bị can gồm: Nguyễn Thị Nở, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; Mai Hắc Lợi, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Nguyễn Ngọc Duy, nguyên Phó Cục trưởng Cục thuế và Ngô Quang Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường. Theo hồ sơ vụ án, trong hai năm 2016-2017, tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị Nam Tuy Hòa. Với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư nêu trên, ông Hiến trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phê duyệt giá đất để bán đấu giá quyền sử dụng 262 lô đất nhà ở liền kề với mức giá khởi điểm gần 161 tỷ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, hành vi của ông Hiến cùng 4 đồng phạm đã vi phạm các quy định của Luật đất đai, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 8 tỷ đồng.

 

    TTXVN, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM và các báo (11/6) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố 13 bị can về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”. Ngoài các bị can này, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội còn xác định một số cán bộ, nhân viên của 1 số ngân hàng liên quan. Theo cáo trạng, giai đoạn 2016-2020, Nguyễn Thị Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn cấu kết cùng Phạm Hữu Thuật (quê Quảng Ninh) và các bị can khác hợp thức hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài thông qua pháp nhân của 11 công ty. Các nhân viên ngân hàng bị cáo buộc liên quan gồm: Phạm Thị Minh Ngân, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank); Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).Do Phạm Thị Minh Ngân là nhân viên MB Bank nên thẩm quyền xử lý thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Đến nay, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố bị can đối với Phạm Thị Minh Ngân về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

 

    TTXVN, Điện tử ĐCS, Người Lao động, Công an TP.HCM (10/6), Lao động, Đài THVN, Đài TNVN (11/6), Đầu tư (12/6) thông tin, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an TP. Hồ Chí Minh vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả (có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19) với quy mô lớn. Theo đó, Công an thành phố tạm giữ đối tượng Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Amtex Pharma (trụ sở tại tỉnh Long An, đứng đầu đường dây sản xuất thuốc giả), Phạm Bích Ngọc (em ruột Phạm Ngọc Bích) cùng 5 người có liên quan. Mở rộng điều tra, khám xét tại các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa thuộc tỉnh Long An và nhiều địa điểm cất giữ thuốc thành phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; lực lượng Công an đã phát hiện, thu giữ khoảng 1 triệu viên tân dược giả thành phẩm cùng hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất thuốc tân dược giả. 

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (06/6) cho biết, lực lượng đặc biệt Kyrgyzstan đã bắt giữ Bộ trưởng Y tế Alymkadyr Beishenaliev vì cáo buộc liên quan đến việc mua 2,4 triệu liều vắc xin Covid-19, ước tính số tiền thiệt hại lên tới 15 tỷ som (18,8 triệu USD). Văn phòng Tổng Công tố đã mở 7 vụ án hình sự chống lại ông Beishenaliev. Trong đó, 1 vụ về tội tham nhũng, 2 vụ về đòi hối lộ, 4 vụ về lạm dụng chức vụ và cố ý ký kết hợp đồng không có lợi.

 

    Báo Thanh tra (07/6) đưa tin, các thẩm phán của Tunisia lên kế hoạch đình công trong 1 tuần và tổ chức cuộc họp ngay sau khi Tổng thống Kais Saied sa thải 57 thẩm phán. Trước đó, ngày 01/6, Tổng thống Tunisia đã sa thải 57 thẩm phán, sau khi cáo buộc họ tham nhũng, thông đồng và bảo vệ những người bị buộc tội trong các vụ khủng bố. Sau sự kiện 57 thẩm phán bị sa thải, trong một phiên họp với sự tham dự của hàng trăm thẩm phán, một số thẩm phán bị sa thải gọi đây là "cuộc thanh trừng" và cho biết, động thái này diễn ra sau khi họ từ chối sự can thiệp từ Bộ trưởng Tư pháp và trong một số trường hợp từ những người phụ cận Tổng thống.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 

 

    - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào Dự thảo Đề án.

    - Khai trừ ra khỏi Đảng, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

    - Thêm các tỉnh Bạc Liêu, Sơn La, thành phố Hà Nội và Cần Thơ phát hiện sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á.

    - Truy tố các bị can vụ chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.

Nguồn: Noichinh.vn