Skip to main content

Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Công an nhân dân

          Sáng ngày 13/4/2022, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Công an nhân dân kết nối đến 63 điểm cầu Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có Đại tá Triệu Tuấn Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tham dự Hội nghị.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị thuộc cơ quan Bộ nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi các thông tư của Bộ Công an quy định về thực hiện quy chế dân chủ trong các lĩnh vực công tác công an.

aa
Đại biểu Hội nghị quán triệt công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Công an nhân dân tại điểm cầu Công an Lạng Sơn

 

Đến nay, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành 15 thông tư về thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực: Công tác quản lý xuất nhập cảnh; hoạt động điều tra; công tác của Cảnh sát môi trường; công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; công tác quản lý tạm giữ, tạm giam; công tác xây dựng lực lượng; công tác tuyển sinh vào CAND; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý tài chính, tài sản công và công khai tài chính trong CAND;… Nội dung các thông tư đã cụ thể hóa sâu sắc hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương phải củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo để lãnh đạo thực hiện dân chủ ở Công an đơn vị, địa phương. Cấp ủy Đảng, Thủ trưởng Công an các cấp tiếp tục chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo thực hiện dân chủ của Trung ương và Bộ Công an. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các thông tư quy định về thực hiện dân chủ thuộc các lĩnh vực công tác công an do Bộ trưởng đã ban hành; tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về thực hiện dân chủ thuộc các lĩnh vực công tác công an để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện và giám sát việc thực hiện của cán bộ, chiến sĩ CAND. Tổ chức kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy trình hoạt động ở từng lĩnh vực công tác bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, địa phương mình.

Gắn việc thực hiện dân chủ với thực hiện nhiệm vụ chính trị, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong CAND, thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, các phong trào thi đua trong CAND và ở địa phương. Coi trọng công tác kiểm tra, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ CAND về ý thức, tác phong, trách nhiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; nghiêm túc thực hiện dân chủ trong nội bộ Công an đơn vị, địa phương và dân chủ với nhân dân. Phát huy vai trò của cán bộ, chiến sĩ CAND, của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự; xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Nơi tiếp dân phải có hòm thư góp ý kiến để tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo hoặc góp ý về tác phong, thái độ tiếp dân của cán bộ, chiến sĩ. Tại nơi tiếp dân phải có niêm yết và thông báo công khai quy chế dân chủ và các quy định của Nhà nước và của Ngành Công an có liên quan đến giải quyết công việc của công dân để công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình và giám sát cán bộ, chiến sĩ thực hiện.

Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc nội dung các quy chế dân chủ, đặc biệt là các quy chế dân chủ liên quan đến công tác chuyên môn mà mình đang thực hiện, nhất là đối với các đơn vị thường xuyên tiếp xúc với nhân dân để phát hiện kịp thời, uốn nắn những sai phạm. Có hình thức biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt trong các đợt sơ kết và gắn với tổng kết thi đua hằng năm; đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ thực hiện chưa tốt quy chế dân chủ phải nhắc nhở, uốn nắn, trường hợp sai phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà kiểm điểm nghiêm túc, định thời gian khắc phục hoặc xử lý theo đúng quy định của Ngành và pháp luật.

          Tại hội nghị, sau khi nghe quán triệt nội dung cơ bản của 15 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an về thực hiện quy chế dân chủ, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các thông tư trong thời gian tới.

 

Nguyễn Thu Huyền – Công an tỉnh