Skip to main content

BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TỈNH LẠNG SƠN Ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022

         Nhằm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp. Ngày 21/02/2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 08-KH/BCĐ về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022, Kế hoạch tập trung chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp tỉnh, các huyện ủy, thành ủy thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với tình hình công tác cải cách tư pháp của tỉnh.

          Thứ nhất, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật và pháp luật về hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp, thi hành án, nhất là các quy định của pháp luật mới có hiệu lực, được sửa đổi, bổ sung; các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân để nắm, hiểu và chấp hành pháp luật, chủ động cảnh báo, phòng ngừa vi phạm pháp luật, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

          Thứ hai, nâng cao năng lực, trách nhiệm và phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp thông qua cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan tư pháp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan chủ động rà soát, sửa đổi, ban hành và thực hiện tốt các quy chế phối hợp; bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa để nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc; không để xảy ra án oan, sai, bỏ lọt tội phạm; quan tâm công tác bảo quản, phòng ngừa các thiệt hại do tài sản, tang vật bị tạm giữ lâu ngày phát sinh hư hỏng, xuống cấp; thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.

          Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp, định hướng tổ chức, hoạt động của các cá nhân, đơn vị thực hiện hoạt động bổ trợ tư pháp trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tinh thần cải cách tư pháp; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện bổ trợ tư pháp; nâng cao chất lượng giám định tư pháp và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng; các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề theo quy định pháp luật.

          Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là đội ngũ cán bộ các chức danh tư pháp bảo đảm có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, năng lực và uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng kiểm tra, giám sát nội bộ đối với việc thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án, bổ trợ tư pháp của đội ngũ cán bộ tư pháp theo quy định; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ năm, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với cơ quan tư pháp. Thực hiện tốt cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với các cơ quan tư pháp. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia phản biện xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, bản ghi nhớ, các văn bản ký kết giữa các cơ quan chức năng Việt Nam với các cơ quan chức năng Trung Quốc trong lĩnh vực tư pháp.

Thứ bảy, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động tư pháp, quy hoạch, bố trí mặt bằng để xây dựng trụ sở Công an các xã; tập trung đầu tư để triển khai thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, việc “Số hoá hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên toà.

Thứ tám, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp. Tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tư pháp; chỉ đạo các cơ quan tư pháp làm tốt công tác phối hợp trong công tác cảnh báo, phòng ngừa tội phạm, trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp hằng năm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh là nội dung quan trọng định hướng cho cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp tỉnh, các huyện ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch cụ thể gắn với điều kiện của địa phương, đơn vị mình góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm phát triển toàn diện về mọi mặt của tỉnh Lạng Sơn đặc biệt là trong năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hồng Nga