Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus,  Tuổi trẻ,  Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (04/10) đồng loạt phản ánh các nội dung Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình phòng, chống đại dịch Covid-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; và một số vấn đề quan trọng khác. Phát biểu bế mạc hội nghị,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu Hội nghị đã đạt được về nội dung kinh tế - xã hội năm 2021-2022, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Khẳng định Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã thành công tốt đẹp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương tại Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, mỗi ủy viên Trung ương, trên cương vị công tác của mình, phát huy tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm cá nhân, cùng với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

 

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu dự Hội nghị
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu dự Hội nghị lần thứ 4 (khóa XIII)

    Báo Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Đại Đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (04/10) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên án 30 tháng tù giam đối với ông Hồ Đình Tùng, cựu Phó Chủ tịch HĐND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian từ cuối năm 2020 đến tháng 3/2021, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn xuất hiện tình trạng nhiều trường học và cơ quan, đơn vị nhận được 52 đơn có nội dung tố cáo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, có hành vi hách dịch, cửa quyền, ứng xử thiếu văn hóa. Cũng trong thời gian trên, nhiều lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhận được đơn với nội dung tố cáo ông Nguyễn Tiến Dũng chi sai quy định 1,8 tỷ đồng, có hành vi hách dịch, cửa quyền, điều động, bổ nhiệm cán bộ, giáo viên sai quy định của pháp luật. Trước việc bị tố cáo sai, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng có người cố tình vu khống, bôi nhọ ông Dũng, nên đã làm báo cáo gửi Công an tỉnh Thanh Hóa, và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều tra, xác minh làm rõ. Tại phiên xét xử ở phần xét hỏi và tranh luận, bị cáo Hồ Đình Tùng chỉ nhận làm 2 lá đơn gửi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tố cáo ông Nguyễn Tiến Dũng chi sai quy định số tiền 1,8 tỷ đồng và tố cáo ông Dũng có hành vi điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên sai quy định. Sau nhiều ngày nghị án, Hội đồng Xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phán quyết bị cáo Tùng bị truy tố như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa là đúng người, đúng tội.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (06/10) cho biết, Ủy Ban kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh có thông báo kết quả xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật trong 4 vụ án xảy ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2021. Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với 29 đảng viên liên quan tới các vụ án  “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí,” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). Trong số các đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng có: Phạm Văn Thông, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy; Phan Thanh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng thành phố, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Thành ủy, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy; Lê Hoàng Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IPC; Vũ Xuân Đức, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên Công ty IPC; Hồ Văn Ngon, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên không chuyên trách, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; Nguyễn Thị Tuyết Mai, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty, nguyên Giám đốc Nhân sự - Hành chính Tổng Công ty…

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (06/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ khởi tố bị can, bắt giam Võ Hoàng Thơ, ngụ quận Ninh Kiều, để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Cần Thơ phát hiện tài khoản Facebook  “Minh Long” do Thơ làm chủ đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước, đi ngược chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên chuyển vụ việc đến Công an quận Ninh Kiều điều tra làm rõ.  Tại cơ quan điều tra, Thơ thừa nhận hành vi đăng tải 47 bài viết trên Facebook  “Minh Long”.  Kết quả giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Cần Thơ, 47 bài viết của Thơ đều có tính tiêu cực, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mâu thuẫn các mặt trong đời sống xã hội…

 

    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Tiền Phong, TTXVN (08/10) Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 2. Tại Phiên học này,  Ủy ban Quốc phòng và An ninh thực hiện thẩm tra chính thức dự án Luật Cảnh sát cơ động; thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2022; Kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Ủy ban cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; Báo cáo kết quả hoạt động năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022 của Ủy ban và Báo cáo kết quả quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động năm 2021 của Ủy ban. Tại Phiên họp, báo cáo thẩm tra và các ý kiến thảo luận đều đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số  99, cùng với đó, lực lượng CAND cả nước đã góp phần hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm một số nhận định, đánh giá cụ thể, cũng như có những dự báo để chủ động các phương án ứng phó trong thời gian tới.

 

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (09/10) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” xảy ra tại tỉnh An Giang. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang phát hiện trên mạng xã hội có file ghi âm cuộc nói chuyện được cho là của Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang với "cựu bí thư" nói về "Chủ tịch UBND tỉnh An Giang không cho rước, đón người dân về" gây xôn xao mạng xã hội. Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh, qua đó đã xác định được nghi can có liên quan đến việc tổ chức ghi âm cắt ghép và tung lên mạng nhằm hạ uy tín lãnh đạo tỉnh. Hiện người này đã bị cơ quan điều tra triệu tập để xác minh điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (05/10) cho biết, Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã bắt ông Nguyễn Đình Hải, nguyên Chủ tịch xã Nghi Phong và Nguyễn Hồng Đức, cán bộ địa chính xã Nghi Phong để điều tra về “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.  Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các bị can trên đã vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại xã Nghi Phong, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền đã cấp 01 thửa đất tái định cư 300 m2 không đúng đối tượng và điều kiện, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Hiện vụ án đang được điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

    Báo Phú Yên, Công an Đà Nẵng (05/10) dẫn nguồn tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Phú Yên cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam bà Huỳnh Hồ Thị Tâm, nguyên Kế toán trưởng Cty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, năm 2020, bà Huỳnh Hồ Thị Tâm chỉ đạo cấp dưới lập, ký khống chứng từ thanh toán, chiếm đoạt 200 triệu đồng của Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên để sử dụng vào mục đích cá nhân. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã tiến hành khám xét nơi ở của bà Tâm ở phường 3, thành phố Tuy Hòa để thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra.

 

    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (06/10) đưa tin, liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty cổ phần thương mại vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cùng ba bản kết luận điều tra đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 17 bị can. Trong đó có ông Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, cựu Tổng Ggiám đốc VEAM; Vũ Từ Công, cựu Kế toán trưởng; Nguyễn Mạnh Chung, cựu Trưởng phòng Kỹ thuật đầu tư; Trần Quang Tiến… Riêng bị can Nguyễn Văn Khôi, cựu Trưởng Ban Kiểm soát, cựu Thành viên HĐTV VEAM, bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

    Báo Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật (07/10) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành cáo trạng truy tố 10 bị can; trong đó có 04 cán bộ gồm: Bùi Quốc Tuân, cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Trần Thanh Hải, cán bộ Ban QLDA huyện Krông Nô; Nguyễn Ngọc Hùng, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất và Doãn Đức Toàn, cán bộ địa chính UBND xã Đắk Drô, về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, xảy ra tại Công trình thủy lợi Đắk Rồ, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô. Theo kết quả  Được Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Krông Nô giao nhiệm vụ tiến hành xác minh đơn kiến nghị của một số hộ dân về việc diện tích đất bị ngập nước nhưng chưa được bồi thường, hỗ trợ. Các bị can đã thông đồng một số hộ dân kê khống những diện tích đất không bị ngập nước nhưng vẫn được bồi thường, hỗ trợ, gây thất thoát 1,5 tỷ đồng.

 

    Báo Công an nhân dân, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Tiền Phong, Giao Thông, VNExpress, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (07/10) theo nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa khởi tố 3 bị can Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí " do sai phạm trong quá trình triển khai đầu tư dự án khu phức hợp Golden Gate, địa chỉ 28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Quá trình triển khai, Dự án này được các ông Nguyễn Chiến Thắng, Đào Công Thiên, Võ Tấn Thái ký các văn bản liên quan đến việc thu hồi khu đất 28E Trần Phú không bán đấu giá tài sản công trên đất, không đấu thầu dự án. Dự án Nha Trang Golden Gate là một trong 6 dự án do Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận, tiến hành điều tra, liên quan đến nhiều sai phạm của quan chức tỉnh này trong việc giao đất, quản lý đất đai, làm dự án BT tại Khánh Hòa.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (08/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Thu Thảo, nguyên là Kế toán trưởng tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Bình Phước, để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”. Theo hồ sơ, trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2017,  Thảo được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tài chính kế toán của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bình Phước đã dùng thủ đoạn gian dối lập các lệnh chi, ủy nhiệm chi để chuyển số tiền gần 1 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân. Khi bị bắt giữ, Thảo khai số tiền trên đã tiêu xài cá nhân.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 5 bị can là cán bộ các phòng, ban, xã thuộc huyện Đắk R’Lấp về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”. Các bị can gồm: Lê Văn A, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk R’lấp, nguyên Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đắk R’lấp; Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ, nguyên Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk R’lấp; Phạm Văn Dũng, công chức địa chính xã Nhân Cơ; Lê Văn Ngà, nhân viên Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp; Phan Văn Thời, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp, về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”. Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, mở rộng nâng cao mức nước lòng hồ số 4, giai đoạn đường trục chính từ quốc lộ 14 vào khu Công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, các bị can đã thực hiện không đúng với quy định của pháp luật. Qua đó đã chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân không đúng quy định, gây thiệt hại tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (04/10) đưa tin, hàng nghìn người Tunisia đã xuống đường vào cuối tuần qua để bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực của Tổng thống Kais Saied nhằm loại bỏ các chính trị gia tham nhũng. Tổng thống Saied đã nắm quyền hành pháp theo Hiến pháp vào ngày 25/7 vừa qua, khi sa thải Thủ tướng, đình chỉ Quốc hội và bắt đầu cầm quyền bằng việc ban hành các sắc lệnh. Các động thái cuối tuần qua cho thấy sự ủng hộ lớn của công chúng với Tổng thống, trong bối cảnh người dân Tunisia thất vọng vì tham nhũng và quản lý yếu kém trong một tầng lớp chính trị do Đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền, mà nhà lãnh đạo Rached Ghannouchi là Chủ tịch Quốc hội. Tổng thống Saied, đã tuyên bố, mục đích của ông là cứu Tunisia khỏi "nguy cơ sắp xảy ra" trong một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức đã tăng lên gần 18% và nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,6% trong thập kỷ qua. Cách đây ít ngày, Tổng thống đã bổ nhiệm bà Najla Bouden làm nữ Thủ tướng đầu tiên của Tunisia và chỉ đạo bà thành lập Nội các để giải phóng Tunisia khỏi nạn tham nhũng chính trị.

 

    Báo Công an nhân dân, VietNamPlus, Tuổi trẻ (08/10) đưa tin, Bộ trưởng Tư pháp Moldova cho rằng, Tổng Công tố Alexandr Stoianoglo là "bù nhìn" trong tay các quan chức tham nhũng và những kẻ đào mỏ ngân sách trong nhiều thập kỷ. Ông Stoianoglo đã bị bắt giữ với 4 cáo buộc liên quan đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Stoianoglo được bầu làm Tổng Công tố vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, cuộc tranh cử cho vị trí này tồn tại gian lận. Chính phủ mới của Moldova từ lâu đã đưa Stoianoglo vào "tầm ngắm". Bộ trưởng Tư pháp Sergiu Litvinenco cho biết, Stoianoglo đã vượt qua "ranh giới đỏ", lợi dụng chức vụ của mình vì lợi ích cá nhân, tham gia vào tham nhũng. Stoianoglo cũng bị cáo buộc tạo điều kiện cho rửa tiền ở Moldova bằng cách ủng hộ sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Một vấn đề khác liên quan đến mối quan hệ của vợ Stoianoglo với doanh nhân đào tẩu Veaceslav Platon - người gần đây đã trốn đến London để lẩn tránh công lý Moldova trong khi bị điều tra về tội rửa tiền. Vào ngày 15/6/2020, Stoianoglo đã trả tự do cho Platon sau khi ông ta bị kết án 18 năm tù vì liên quan đến vụ trộm 1 tỷ USD từ hệ thống ngân hàng Moldova. Một cuộc điều tra do The Guardian công bố đã chỉ ra, Platon là người lên kế hoạch cho một hoạt động rửa tiền lớn với hàng tỷ USD tiền mặt từ Nga, được gọi là "Russian Laundromat".

 

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

 

    - Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

    - Khai trừ đảng nhiều cán bộ, công chức liên quan 4 vụ án lớn tại TP.HCM

    - Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị khởi tố

    - Khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc cắt ghép ghi âm của Giám đốc công an An Giang.

Nguồn: Noichinh.vn