Skip to main content

Một số điểm mới trong quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và những vấn đề cần lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của ngành Nội chính Đảng trong giai đoạn hiện nay

      1. Kiểm tra, giám sát vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng của các cấp ủy, tổ chức đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả nổi bật; chất lượng, hiệu quả được nâng lên; cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên, qua đó đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý); cấp ủy các cấp đã giám sát 193.993 tổ chức đảng và 528.652 đảng viên(1).

          Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức 74 đoàn kiểm tra, giám sát tại hơn 170 lượt cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, trực tiếp làm việc với hơn 600 cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan, qua đó kiến nghị gần 400 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, kiến nghị chỉ đạo xử lý hơn 520 vụ việc, vụ án; ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy chủ trì, phối hợp giúp tỉnh ủy, thành ủy tổ chức 1.606 cuộc kiểm tra, giám sát, trực tiếp tiến hành 3.098 cuộc kiểm tra, giám sát(2).

Kỳ họp thứ bảy của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII

          Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy chưa đi vào nề nếp(3). Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Trung ương, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy còn những mặt cần tiếp tục hoàn thiện, một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung, phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát; về xử lý, tham mưu xử lý kết quả kiểm tra, giám sát…    

           Những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của cấp ủy, tổ chức đảng nói chung, ngành Nội chính Đảng nói riêng do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Đảng trong tình hình mới; đồng thời, một số quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát cũng cần được nhận thức, quán triệt đầy đủ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và thực tế đặt ra.

          Phần nội dung dưới đây của bài viết nêu những điểm mới rất khái quát, toàn diện của Đảng ta về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII và Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, từ đó, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, rút ra những nội dung trọng tâm cần lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của ngành Nội chính Đảng giai đoạn hiện nay.
           2. Những điểm mới trong quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của ngành Nội chính Đảng

    Một là: Khái quát những điểm mới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII(4):

           - Cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi, trong đó tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật Đảng. 

           - Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên đối với cấp dưới.

            - Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

            - Tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với giám sát, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. 

           - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong việc thể chế hóa và thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng.

            - Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. 

           Hai là: Những điểm mới chủ yếu trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (sau đây gọi tắt là Quy định số 22, thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 27/6/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, sau đây gọi tắt là Quy định số 30).

          - Về bố cục: Quy định số 22 đã thay đổi cơ bản so với Quy định số 30 để phù hợp với thể loại văn bản của Đảng. Quy định số 22 gồm 7 chương, 36 điều, đã cụ thể hóa các nội dung về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Quy định số 30 quy định theo từng điều cụ thể của Điều lệ Đảng, còn Quy định số 22 quy định theo từng chương, từng nhóm chuyên đề, có tính chuyên sâu hơn.

          - Về nguyên tắc trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng: Quy định số 22 nêu rõ: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng” (Khoản 3, Điều 2). Đồng thời: “Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ” (Khoản 5, Điều 2).

          - Về khái niệm kiểm tra, giám sát: Về kiểm tra của Đảng, Quy định số 22 bổ sung thêm việc chấp hành “quyết định, quy chế, kết luận” của Đảng so với Quy định số 30 (Khoản 3, Điều 3). Về giám sát của Đảng, ngoài việc quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động, Quy định số 22 còn bổ sung thêm “nắm bắt, kết luận” nhằm kịp thời “nhắc nhở”, đồng thời, bổ sung thêm việc chấp hành “quyết định, quy chế, kết luận” của Đảng, và “khắc phục sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm” so với Quy định số 30 (Khoản 4, Điều 3). Quy định số 22 bổ sung rõ hơn về việc giám sát của Đảng cũng phải thẩm tra, xác minh và có kết luận. 

           - Về quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát: Quy định số 22 yêu cầu đối tượng kiểm tra, giám sát “không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát”, để phòng ngừa việc đối tượng kiểm tra ghi âm, ghi hình lại các nội dung đang trong quá trình kiểm tra, giám sát chưa được phép công khai vì mục đích xấu, bảo đảm giữ bí mật danh tính người tố cáo và trong thực tế chưa có quy định để xử lý vi phạm này: “Không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát. Được sử dụng bằng chứng có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát để báo cáo, giải trình; bảo lưu ý kiến và đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình hoặc việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát” (Khoản 6, Điều 3).

          - Về nội dung kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng: Quy định số 22 bổ sung thêm nội dung “lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành pháp luật của Nhà nước” (Khoản 1, Điều 4) để cụ thể hóa và thống nhất với quy định Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đảng viên phải chấp hành pháp luật của Nhà nước theo quy định tại Điều lệ Đảng. Ngoài việc kiểm tra, giám sát về việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, Quy định số 22 còn bổ sung thêm nội dung về “tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên” (Khoản 2, Khoản 3, Điều 4).

          - Về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát: Bổ sung thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác kiểm tra, giám sát: “Yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu theo nội dung kiểm tra và phải giữ bí mật thông tin, tài liệu” (Điểm 2.4, Khoản 2, Điểm 3.4, Khoản 3, Điều 4); cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy trực tiếp kiểm tra hoặc giao Ủy ban Kiểm tra tiến hành kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật; quyết định bãi bỏ theo thẩm quyền “hoặc yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” (Điểm 2.4, Khoản 2, Điểm 3.4, Khoản 3, Điều 4).

          - Bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra: Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, được yêu cầu tổ chức đảng và đảng viên có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc kiểm tra và phải giữ bí mật nội dung thông tin, tài liệu. Qua kiểm tra, yêu cầu đối tượng kiểm tra kịp thời khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 5).

          - Bổ sung trách nhiệm của một số cơ quan chức năng và thẩm quyền, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra: Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý thì chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban kiểm tra cùng cấp để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng. Ủy ban kiểm tra kiểm tra xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án do các cơ quan chức năng thụ lý (Điểm 4.6, Khoản 4, Điều 8).

          - Về thi hành kỷ luật Đảng: Quy định số 22 quy định trách nhiệm của cá nhân liên quan khi kỷ luật tổ chức đảng: “Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng” (Khoản 1, Điều 9). Về thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, bổ sung thêm “ban thường vụ đảng ủy, ủy ban kiểm tra cơ sở”. Đối với kỷ luật đảng viên: “Ban thường vụ đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý” (Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 11); “Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp” (Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 11). Đối với kỷ luật tổ chức đảng, ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên có quyền kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới theo quy định; ủy ban kiểm tra các cấp quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới. 

          Quy định số 22 nêu rõ tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét xử lý đảng viên khi có các tài liệu của cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp có vi phạm pháp luật. Cụ thể: “Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật, xem xét lại việc kỷ luật Đảng đối với đảng viên đó” (Khoản 2, Điều 17).

          - Về giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên: Quy định số 22 bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với “cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy”. Cụ thể: “Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp” (Khoản 1, Điều 19). Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của tổ chức đảng trong việc giải quyết tố cáo đối với các trường hợp cán bộ về hưu bị tố cáo trong thời gian đang đương chức: “Trường hợp đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được thực hiện như đang đương chức” (Khoản 2, Điều 19). 

          - Về nguyên tắc giải quyết tố cáo so với Quy định số 30, Quy định số 22 bổ sung thêm nội dung: “Nếu đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo” (Khoản 7, Điều 20). 

          - Về khiếu nại kỷ luật Đảng: Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng, Quy định số 22 đã bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng đối với ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy cơ sở: “Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng được tiến hành từ ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên” (Khoản 1, Điều 22). 

          - Về thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật, Quy định số 22 cũng bổ sung thêm đối với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra cơ sở, cụ thể: “Ủy ban kiểm tra đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy từ cấp cơ sở trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng do tổ chức đảng cấp dưới quyết định” (Điều 25). Quy định số 22 cũng bổ sung về công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy (Điều 5); các ban cán sự đảng, đảng đoàn (Điều 6) và chi bộ (Điều 7); về trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng (Điều 27). Ngoài các nội dung trên, Quy định số 22 còn được chỉnh sửa, lược bỏ một số nội dung của Quy định số 30 hoặc bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với các quy định hiện nay của Đảng.
          3. Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, trên cơ sở yêu cầu thực tiễn đặt ra và chức năng, nhiệm vụ được giao, cũng như vận dụng những quy định mới nêu trên của Đảng, trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát giai đoạn hiện nay, ngành Nội chính Đảng cần lưu ý một số nội dung sau:

           Thứ nhất: Tổ chức thực hiện tốt công tác quán triệt, hướng dẫn nghiệp vụ để nâng cao nhận thức, tư duy và kỹ năng vận dụng các quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, đối tượng, nội dung, phương pháp, mối quan hệ phối hợp… trong công tác kiểm tra, giám sát của ngành Nội chính Đảng. Trước mắt, tập trung quán triệt, nắm vững về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Trung ương theo Quyết định số 216-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy của Ban Nội chính Trung ương; của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy theo Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy. Cần quán triệt, hướng dẫn nghiệp vụ để nắm vững và vận dụng có hiệu quả những nội dung có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của ngành Nội chính Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Quy định số 22 và các văn bản khác của Đảng, Nhà nước có liên quan.

          Thứ hai: Về nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát: Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm theo các quy định về công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực phụ trách về công tác nội chính, PCTN, cải cách tư pháp, những nội dung khác do cấp ủy giao để thực  hiện việc kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra, giám sát theo các quy định, quy chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ; ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra, giám sát theo các quy định, quy chế của tỉnh ủy, thành ủy, ban chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ. 

          Thứ ba: Về đối tượng kiểm tra, giám sát

          - Đối tượng kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Trung ương: Khi ở vị trí chủ thể, thực hiện nhiệm vụ chủ trì kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, đối tượng kiểm tra, giám sát, gồm: (1) Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đến cấp cơ sở (đối tượng kiểm tra: Chi ủy, chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, trước hết là cấp dưới trực tiếp; đối tượng giám sát: Chi ủy, chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp dưới); (2) Đảng viên thuộc lĩnh vực phụ trách (nội chính, PCTN và cải cách tư pháp), các đối tượng khác do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao. Khi ở vị trí chủ thể, thực hiện nhiệm vụ chủ trì kiểm tra, giám sát việc xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, đối tượng kiểm tra, giám sát, gồm: (1) Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đến cấp cơ sở theo quy định; (2) Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của các cơ quan nội chính, các cơ quan, tổ chức, đảng viên và các đối tượng khác có liên quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.

           - Đối tượng kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy: Khi ở vị trí chủ thể, thực hiện nhiệm vụ chủ trì kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, đối tượng kiểm tra, giám sát gồm: (1) Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy đến cấp cơ sở (đối tượng kiểm tra: Chi ủy, chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, trước hết là cấp dưới trực tiếp; đối tượng giám sát: Chi ủy, chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp dưới); (2) Đảng viên thuộc lĩnh vực phụ trách (nội chính, PCTN và cải cách tư pháp), các đối tượng khác do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao. Khi ở vị trí chủ thể, thực hiện nhiệm vụ chủ trì kiểm tra, giám sát việc xử lý một số vụ việc, vụ án có sự chỉ đạo xử lý của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đối tượng kiểm tra, giám sát gồm: (1) Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy đến cấp cơ sở theo quy định; (2) Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của các cơ quan nội chính, các cơ quan, tổ chức, đảng viên và các đối tượng khác có liên quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xử lý một số vụ việc, vụ án có sự chỉ đạo xử lý của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.

          Thứ tư: Về một số nguyên tắc, quan điểm cần quán triệt thực hiện: Ngoài những nguyên tắc chung về kiểm tra, giám sát trong Quy định số 22, ngành Nội chính Đảng cần lưu ý thêm một số nội dung, cụ thể là:

          - Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm, phải có hình thức xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.

          - Trong kiểm tra, giám sát, công tác nắm tình hình về địa bàn, đối tượng kiểm tra, giám sát phải đi trước một bước. Phải nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình để khi kiểm tra, giám sát cho trúng đối tượng, nội dung và hiệu quả thực sự. Nghiên cứu đề xuất áp dụng chế độ “tuần thị” như một số quốc gia đã làm trong kiểm tra, giám sát. 

          - Vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự.

          - Trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.

           - Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với giám sát, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

    “Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về PCTN. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN. Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb CTQGST, H.2021, t.2, tr.145.

          Thứ năm: Về một số định hướng nội dung, địa bàn, đối tượng kiểm tra, giám sát cụ thể: 

          - Chú trọng tham mưu, thực hiện kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính, kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Định kỳ và thường xuyên kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

          - Tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, trọng tâm là đầu tư công, xây dựng cơ bản từ vốn nhà nước, hoạt động tín dụng, cho vay, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản đầu tư vào danh nghiệp; về trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật về PCTN; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, như quy hoạch, sử dụng đất, đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

          - Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức và cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, nhiều dư luận và đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.

           - Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN của Ban Chỉ đạo và Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, của tỉnh ủy, thành ủy để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

          - Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh vi phạm trong thực thi nhiệm vụ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị này.

          - Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình  sự về tham nhũng, kinh tế, kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

          - Nghiên cứu đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát chéo giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, chứ không phải chỉ giám sát trong nội bộ từng cơ quan có chức năng này.

Nguồn: https://noichinh