Skip to main content

Thành phố Lạng Sơn tổng kết Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012-2016” đến năm 2021

Vừa qua, thành phố Lạng Sơn đã thực hiện tổng kết Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012-2016” đến năm 2021.

Thực hiện Kế hoạch số 152/KH-BCĐ ngày 01/9/2017 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016 đến năm 2021, thành phố Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 19/9/2017 về việc tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016” đến năm 2021. Định kỳ hằng năm, thành phố Lạng Sơn đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn, trong đó lồng ghép nội dung thực hiện Đề án, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, phối hợp thực hiện tốt Đề án theo trách nhiệm và địa bàn được phân công. Giao Công an thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, hằng năm phối hợp với Phòng Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự để tiến hành chuyển hóa, đồng thời tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố, trong đó tập trung vào các địa bàn cần chuyển hóa.

Ngày 28/5/2015, Công an thành phố đã ban hành Công văn số 386/CATP-TH về việc chọn chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội năm 2015, UBND thành phố đã đề xuất UBND tỉnh lựa chọn 2 địa bàn để tiến hành chuyển hóa gồm phường Hoàng Văn Thụ và phường Vĩnh Trại. Phường Hoàng Văn Thụ và phường Vĩnh Trại đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác PBGDPL, trọng tâm là việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với hoạt động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn. Trên cơ sở tình hình địa bàn và những nhiệm vụ được giao, đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu, xây dựng và nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả như mô hình “Ngày pháp luật”, mô hình “Tủ sách pháp luật”, mô hình “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động người dân nêu cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật”, Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, Câu lạc bộ “Sức sống trẻ”...

Kết quả đã tổ chức tuyên truyền được 334 buổi, với hơn 60.000 lượt người tham gia; phát hơn 7.500 tờ rơi pháp luật, vận động ký cam kết chấp hành pháp luật, không vi phạm các quy định về pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chấp hành luật giao thông được 90% các hộ gia đình và 100% các hộ kinh doanh, học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Hằng năm, Thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch “Ngày pháp luật”, quán triệt triển khai đến toàn thể các đơn vị trên địa bàn, qua hoạt động tổ chức “Ngày pháp luật” đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ và người dân trên về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này, đồng thời làm cho “Ngày pháp luật” trở thành đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đến toàn thể người dân. Lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Pháp luật của Nhà nước trong các Hội nghị phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hằng năm trên địa bàn; đã tổ chức diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân được 14 buổi với trên 3.000 lượt người tham gia.

Nhìn chung, qua việc triển khai Đề án, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn trọng điểm đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả quản lý của Nhà nước, nhận thức của cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật được nâng lên; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đa số người dân, cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Số vụ vi phạm pháp luật, kỷ luật chiếm tỷ lệ thấp; nhiều cơ quan, đơn vị không xảy ra vụ việc nghiêm trọng.

Qua thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016” đến năm 2021, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố và các phường, xã ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị trí trong việc tham mưu, điều phối và duy trì hoạt động giữa các cơ quan chức năng, bảo đảm công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai đúng trọng tâm, đúng kế hoạch và sát với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng một vai trò thiết yếu, quan trọng, góp phần chuyển hóa thành công địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.

                                                                Hồng Nhung - Thành ủy Lạng Sơn