Skip to main content

 CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Lao Động, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Đại đoàn kết, Nhà báo và Công luận, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Kiểm Toán, Người lao động, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21/6) đồng loạt đưa tin về Hội nghị sơ kết công tác Công an 6 tháng đầu năm 2021; đồng thời, dự báo diễn biến tình hình và xác định nhiệm vụ công tác trong những tháng cuối năm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh đánh giá cao lực lượng Công an đã nỗ lực phấn đấu, tập trung triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch và giải pháp công tác nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu của năm nay. Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình hiện nay, Chủ tịch nước đề nghị lực lượng Công an phải kịp thời sơ kết, đánh giá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc kết quả các mặt công tác từ đầu năm đến nay. Đồng thời dự báo sát xu hướng, diễn biến của tình hình, từ đó bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, giải pháp công tác để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm nay và những năm tiếp theo để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa quyết tâm phục hồi, duy trì đà phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự và bảo đảm đời sống nhân dân. Chủ tịch nước đề nghị lực lượng Công an từ nay đến cuối năm tích cực tổ chức thực hiện có hiệu quả các Ngị quyết của Đảng, trong đó có Chương trình công tác toàn khóa của Đảng ủy Công an Trung ương và những định hướng của công tác công an mà Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương lần thứ Nhất vừa đề ra.

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Người Lao động, Tuổi trẻ Thủ đô, Công lý, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22/6) đưa tin, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) và đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về dự thảo Đề án kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, sau 10 năm thực hiện Quy định số 40 ngày 19/9/2011 của Bộ Chính trị “về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, cơ quan tham mưu, giúp việc và chế độ, chính sách cán bộ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương”, Ban Chỉ đạo đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị Đề án công phu, nghiêm túc trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về cải cách tư pháp. Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, nhất là quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, thống nhất với các quy định của Đảng hiện nay; đồng thời tổ chức đánh giá tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị khóa IX, ngày 02/6/2005 "về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020"; việc kiện toàn Ban Chỉ đạo sẽ góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện "Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"; trong đó, có Chiến lược cải cách tư pháp như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; Chủ tịch nước giao Ban Nội chính Trung ương tiếp thu ý kiến của Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Người Lao động, Tuổi trẻ Thủ đô, Công lý, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22/6) phản ánh các nội dung buổi làm việc của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc với Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua nghe và trao đổi cụ thể về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao Viện Nghiên cứu lập pháp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, cơ bản bám sát chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 1050/2015/UBTVQH13. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chức năng của Viện Nghiên cứu lập pháp là cung cấp thông tin về khoa học lập pháp, không phải tất cả thông tin liên quan hoạt động của Quốc hội. Viện cần nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, để hoạt động này ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả thực chất, đáp ứng ngay yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban… Viện Nghiên cứu lập pháp cũng cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác với các cơ quan ngoài Quốc hội; phải có những đề tài nghiên cứu thiết thực, thực chất và xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập Quốc hội Việt Nam và trên tinh thần học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức hoạt động của Quốc hội. Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp xây dựng đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Viện; thống nhất với Văn phòng Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1050 trên tinh thần Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 161/2021/QH14 của Quốc hội…

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22/6) cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức trực tuyến Hội nghị Tổng kết Dự án Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) và Lễ công bố vận hành hệ thống từ ngày 1/7/2021 và sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân. Việc hoàn thành xây dựng CSDLQG về DC và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã, đang và sẽ mạng lại nhiều hiệu quả to lớn đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và Nhân dân, nhất là sẽ tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, làm giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại, giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách. Việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp điện tử sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ khác, đồng thời mở ra nhiều cơ hội trong triển khai các dịch vụ liên quan đến xác thực điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT... Tại Hội nghị, diễn ra phần trải nghiệm dịch vụ tại các điểm cầu trực tuyến về xác thực cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội, cung cấp dịch vụ công, tính năng tác dụng của đầu đọc thẻ chíp và thiết bị xác minh di động…

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (22/6) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên vừa ra các quyết định kỷ luật Cảnh cáo đồng chí Phạm Thành, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Phú Hòa; khiển trách đồng chí Phạm Văn Toàn, Chi ủy viên Chi bộ, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Phú Hòa. Quyết định nêu rõ, đồng chí Phạm Thành đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành án, vi phạm quy định pháp luật thi hành án dân sự, quy trình nghiệp vụ của ngành trong quá trình tổ chức thi hành án. Đồng chí Phạm Văn Toàn đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, vi phạm các quy định pháp luật thi hành án dân sự, quy trình nghiệp vụ của ngành trong quá trình tổ chức thi hành án. 

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23/6) phản ánh nội dung Kỳ họp thứ nhất của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025. Tại kỳ họp, các đại biểu được thông báo kết quả bầu Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 10 đồng chí; thông qua dự thảo kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025. Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chúc mừng hai đồng chí được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025 rất nặng nề, đòi hỏi các thành viên Ủy ban trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công phải nắm vững nguyên tắc, đề cao trách nhiệm, đoàn kết, phấn đấu cùng tập thể ủy ban triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, chương trình kế hoạch công tác kiểm tra giám sát toàn khóa và nhiệm vụ Thường vụ Quân ủy giao; chủ động tham mưu giúp Quan ủy Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo chặt chẽ, đúng quy chế, quy trình.

    Báo Nhân dân, Chính phủ điện tử, điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Thanh Niên, VnExpress, Dân trí, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (25/6) cho biết, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và tiếp thu kinh nghiệm, biện pháp hỗ trợ của các nước trên thế giới để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực, Tổng Bí thư lưu ý dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh; riêng lần này Bộ Chính trị đồng ý chủ trương của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Bộ Chính trị cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các bộ, ngành địa phương bám sát tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện chính sách.

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (26/6) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đoàn Thế Nam, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bình Phước. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước, ông Đoàn Thế Nam đã chấp thuận để cấp dưới lập khống danh sách học viên và ký tờ trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách học viên trúng tuyển cao hơn thực tế để được giao dự toán và quyết toán kinh phí không đúng quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý các nguồn thu phát sinh của trường; duyệt chi, nhận chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo cho bản thân không đúng quy định; sai phạm của ông Đoàn Thế Nam là rất nghiêm trọng, có tính liên tục và kéo dài, gây dư luận xấu, làm mất uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Nam. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Thành Trung, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bình Phước (nguyên Chi ủy viên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bình Phước); thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Trung Tín, đảng viên Chi bộ 1, Đảng bộ Trường Cao đẳng Bình Phước (nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch trường Cao đẳng nghề Bình Phước).

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

    Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân,Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người Lao động, Tiền Phong, VietNamPlus, Thanh tra, VietNamNet, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21/6) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cùng 03 bị can khác về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Ông Cang bị xác định sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán 320.000 m2 đất ở Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giả rẻ. Hành vi của ông Cang là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định, gây thất thoát hơn 150 tỷ.

    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, VnExpress, Dân trí, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (23/6) theo tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế hoạch của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, để điều tra làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo cơ quan điều tra, ông Tuấn đã chỉ đạo Hải lập khống hồ sơ, chứng từ chi bồi dưỡng chế độ đặc thù không đúng quy định, để thanh quyết toán kinh phí phòng chống Covid-19 năm 2020, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 500 triệu đồng. Hiện vụ án đang được Công an tỉnh Tây Ninh mở rộng điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (22/6) đưa tin, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Tòa phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của 6 bị cáo, do đó tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm. Theo đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) y án sơ thẩm, chịu mức án 10 năm tù giam. Trước đó, theo cáo trạng của vụ án, đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống máy xét nghiệm, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 với giá khoảng hơn 2 tỷ đồng nhưng CDC Hà Nội đã gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị lên gấp khoảng ba lần giá nêu trên. 

    Báo Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Đài TNVN, TTXVN (24/6) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ra quyết định khởi tố thêm 3 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, xảy ra tại dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ, thành phố Huế. Các đối tượng bị bắt gồm: Dương Nhật Phong, chuyên viên Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế; Nhiêu Khánh Phước Hưng và Đoàn Văn Hoài,  đều là chuyên viên Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế. Theo Cơ quan điều tra, 3 đối tượng này đã lợi dụng nhiệm vụ được phân công, khi tham gia giải phóng mặt bằng tại dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Bắc Hương Sơ, đã kiểm kê, xác nhận số lượng mồ mã di dời không đúng thực tế, trong đó có 353 mộ giả, làm sai lệch hồ sơ, dẫn đến bồi thường không đúng đối tượng, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 700 triệu đồng.

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Giáo dục, Dân trí, Đài TNVN (25/6) Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh; đồng thời quyết định khởi tố bị can đối với 15 bị can; trong đó có bà Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài Chính. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đang khẩn trương điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

    TIN QUỐC TẾ

    Báo Thanh tra (26/6) dẫn nguồn tin từ Reuters, các nhà chức trách Cộng hòa Hồi giáo Mauritanie đã bắt giữ cựu Tổng thống Mohamed Ould Abdel Aziz, trong bối cảnh cuộc điều tra đang diễn ra về cáo buộc tham nhũng cấp cao trong thời gian ông cầm quyền. Mohamed Ould Abdel Aziz, người đã phục vụ hai nhiệm kỳ 5 năm ở cương vị Tổng thống và từ chức vào năm 2019, đã bị truy tố vào tháng 3 vừa qua và bị quản thúc tại gia hồi tháng 5 sau cuộc điều tra của Quốc hội về nghi vấn tham nhũng trong chính quyền của ông. Mohameden Ould Icheddou, một trong những luật sư của ông Aziz cho biết, cựu Tổng thống đã bị bắt giữ vì không xuất hiện trước thẩm phán vào tuần trước, khi ông được yêu cầu phải thực hiện việc này một cách thường xuyên theo các điều khoản giám sát tư pháp đối với mình. Trước đó, ông Abdel Aziz đã phủ nhận các cáo buộc tham nhũng.

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

    - Cho ý kiến về Đề án kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

    - Chủ tịch Quốc hội làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    - Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức kỳ họp thứ nhất

    - Bộ Chính trị họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

    - Tuyên án phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.

                                                                                                    Nguồn: Noichinh.vn